Cách tấn công 51% (51% Attack) là gì?

Chắc hẳn bạn sẽ nghe đến thuật ngữ ” 51% Attack ” hay còn được gọi là tấn công 51% khi đầu tư vào thị trường tiền điện tử. Vậy làm thế nào để lựa chọn được các đồng tiền điện tử mà khả năng bị tấn công 51% thấp? Nếu đồng tiền điện tử bạn đang Hodl (hold) mà bị tấn công 51% thì phải làm gì?

1. Hình thức tấn công 51% là gì? 

Tấn công 51% là một hình thức tấn công có thể thực hiện được trên hệ thống Bitcoin hoặc các hệ thống blockchain khác, trong đó một cá thể hoặc tổ chức nào có nắm giữ được quyền kiểm soát phần lớn các hash rate (tốc độ đào) từ đó làm cho mạng lưới bị gián đoạn. Nói cách khác, người thực hiện tấn công 51% sở hữu đủ năng lực tính toán nhằm cố ý làm thay đổi trình tự hoặc loại bỏ các giao dịch.

Ví dụ, người A bán (chuyển) cho người B 1 BTC Bitcoin để mua nhà (1BTC = 926,509,966 VND theo tỉ giá remitano hiện tại). Sau khi hoàn tất giấy tờ giao dịch mua và lấy nhà xong, người A thực hiện tấn công 51% trên hệ thống blockchain của Bitcoin để đảo ngược số bitcoin vừa gửi cho người B. Vậy là người A vừa có nhà vừa có số bitcoin ban đầu.

tấn công 51% là gì , hình thức double-spend

2. 51% của cái gì?

Các máy tính tham gia vào mạng lưới blockchain gọi là các node. Một số node bật chế độ đào, gọi là máy đào. Nhiệm vụ của các máy đào là sẽ giải thuật toán để tìm 1 con số, gọi là giá trị băm (hash), thoả mãn điều kiện đã cho. Ai tìm ra sớm nhất sẽ được quyền thêm block mới vào blockchain và nhận tiền thưởng. Càng nhiều máy đào thì tính cạnh tranh càng cao.

Tổng số lượng giá trị hash mà toàn bộ mạng lưới máy đào tạo ra trong 1 đơn vị thời gian gọi là hash rate. Chiếm 51% tức là chiếm 51% hash rate.

Đồ thị phân bố Hashrate của các mỏ đào Bitcoin hiện tại theo blockchain
Đồ thị phân bố Hashrate của các mỏ đào Bitcoin hiện tại theo blockchain

3. Tiền điện tử nào dễ bị tấn công 51%

Đối với các đồng tiền điện tử có giá trị ngày càng tăng, thì số lượng thợ đào gia nhập mạng lưới để cạnh tranh khai thác phần thưởng của block ngày càng tăng. Góp phần làm cho mạng lưới blockchain càng lớn thì càng có độ bảo mật cao chống lại các vụ tấn công và làm giả dữ liệu. 

Do đó, khả năng tấn công 51% vào Bitcoin gần như là không thể bởi quy mô của mạng lưới này là cực lớn. Hơn nữa, việc thay đổi các block đã được xác thực trước đó sẽ ngày càng khó khăn khi độ lớn của chuỗi tăng lên, bởi các block này được liên kết với nhau bằng các bằng chứng mã hóa.

Mặc dù việc những kẻ tấn công thu thập được nhiều năng lượng tính toán hơn phần còn lại là rất khó khăn, đối với mạng lưới Bitcoin, nhưng với các loại tiền mã hóa có quy mô nhỏ hơn thì việc này lại dễ dàng hơn rất nhiều.

Khi so sánh với Bitcoin, các đồng altcoin có khối lượng hashing power tương ứng trong việc bảo mật hệ thống khá thấp, đủ để các vụ tấn công 51% có thể thực hiện được trên thực tế. Đã có những ví dụ thực tế đáng ghi nhớ về một số loại tiền mã hóa trở thành nạn nhân của các vụ tấn công hình thức này, trong đó có Monacoin, Bitcoin Gold, ZenCash, Ethereum Classic và Bitcoin SV gần đây.

4. Kết luận

Dưới đây là một số kết luận về tấn công 51% mà mọi người cần lưu ý:

  • Tấn công 51% giúp người tấn công có thể tiêu 1 khoản tiền 2 lần (double spending);
  • Tấn công 51% không thể thay đổi được các block cũ trong hệ thống Blockchain, vì vậy nó sẽ không phá huỷ được Bitcoin hay các đồng tiền điện tử khác;
  • Tấn công 51% cho dù có thành công được cũng chỉ có thể sửa đổi các giao dịch trong một số block mới nhất trong một khoảng thời gian rất ngắn. Do một khối khi càng có được nhiều xác nhận, thì chi phí để sửa đổi hay đảo ngược các giao dịch trong khối đó sẽ càng lớn.
  • Thiệt hại sau tấn công 51% là làm giá của đồng tiền điện tử bị tấn công mất đi giá trị đáng kể.

Học viện Bitcoin tổng hợp