30 thuật ngữ tiền điện tử, tiền mã hóa thường gặp

Bài viết này sẽ cung cấp đến độc giả 30 thuật ngữ tiền điện tử, tiền mã hóa phổ biến.

Giới thiệu các thuật ngữ tiền điện tử

1. Tiền pháp định (fiat curency) là gì?

Tiền được đảm bảo giá trị và phát hành bởi riêng mỗi quốc gia. Tiền pháp định có nhiều dạng: tiền giấy, tiền xu, tiền số (phát hành bởi các ngân hàng và các tổ chức tài chính dựa trên lượng tiền mặt nắm giữ để sử dụng trên môi trường mạng internet)

2. Tiền mã hóa (crypto currency) là gì?

Thuật ngữ tiền điện tử hay còn gọi tiền mã hóa, đó là chỉ đến một loại tài sản kỹ thuật số được thiết kế để thực hiện việc trung gian trao đổi sử dụng mật mã (được mã hóa) để đảm bảo việc giao dịch, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản.

Hiện nay, thị trường crypto mang rất nhiều tên gọi khác nhau: tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử… tuy nhiên, thuật ngữ tiền mã hóa xem ra là chính xác hơn cả bởi bản chất mã hóa và giải mã để thực hiện các giao dịch của nó.

Loại tiền mã hóa được tạo ra đầu tiên là Bitcoin vào năm 2008, sau đó, lần lượt các altcoin (các loại tiền mã hóa khác ngoài bitcoin) lần lượt được tạo ra nhằm cải thiện và giải quyết những nhược điểm mà giao thức Bitcoin chưa thực hiện được, tiêu biểu có thể kể đến Etherium, Litecoin, Bnb, Xrp, Neo, Link…

3. Blockchain là gì?

Blockchain là thuật ngữ tiền điện tử hay được nhắc đến nhất đó là công nghệ kết nối các Block – khối lại với nhau tạo thành chain – chuỗi và được lưu trữ tại tất cả các máy tính nằm trong mạng lưới nhằm nâng cao độ bảo mật giúp cho hệ thống an toàn hơn trước các cuộc tấn công có chủ đích nhằm ăn cắp tiền tệ.

Chính vì được lưu trữ trên nhiều máy tính nên hệ thống này còn gọi là hệ thống phân tán-phi tập trung (decentralize) để phân biệt với các hệ thống tập trung (centralize) đang được các ngân hàng sử dụng. Đây cũng là công nghệ nền tảng cho tất cả các đồng tiền mã hóa hiện nay.

4. Thuật toán đồng thuận là gì?

Là một cơ chế mà qua đó, một mạng blockchain đạt được sự đồng thuận. các Blockchain được xây dựng như một hệ thống phân tán-phi tập trung, không phụ thuộc các cơ quan trung ương nên các nút phân tán cần phải đồng thuận về tính hợp lệ của các giao dịch.

Chúng đảm bảo rằng các quy tắc giao thức đang được tuân theo và các giao dịch đang được thực hiện một cách tin cậy từ đó đảm bảo các đồng tiền mã hóa chỉ có thể được chi tiêu một lần. Một số loại thuật toán đồng thuận tiêu biểu như sau: POW (Proof of Work), POS (Proof of Stake), DPOS (Delegated Proof of Stake), POA (Proof of Authority)…

5. Sàn giao dịch là gì?

Là nơi được tổ chức cho sự gặp gỡ giữa người mua và người bán để trao đổi một loại hàng hóa nhất định như: chứng khoán, bất động sản, tiền tệ mã hóa, ngoại hối (forex)… Ở đây, chúng ta nói về sàn giao dịch tiền tệ mã hóa.

Hiện tại, những sàn giao dịch lớn trên thế giới hiện nay gồm có: Binance.com, Huobi.com, Okex.com, kucoin.com, bibox.com… Các sàn này hầu hết đều có hỗ trợ giao dịch giao ngay (còn gọi là giao dịch SPOT, một số nơi dùng từ giao dịch exchange), giao dịch margin (còn gọi là giao dịch dùng đòn bẩy), giao dịch future (hợp đồng tương lai) và các giao dịch c2c hay p2p (giao dịch mua tiền tệ mã hóa dùng tiền pháp định (Fiat) thông qua ngân hàng.

6. OTC là gì?

OTC là thuật ngữ tiền điện tử viết tắt của Over The Counter, là giao dịch không thông qua sàn giao dịch mà giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán thông qua người môi giới hoặc các công ty môi giới.

7. Coin và Token là gì?

Coin và Token là gì? Hiện các loại tiền mã hóa được phân thành 2 loại: coin và token. Hiện tại, nhiều người đánh đồng coin và token, tuy nhiên, giữa chúng có sự khác biệt rất cơ bản. Coin là những đồng tiền mã hóa có blockchain riêng, được phát triển chuyên biệt. Token là những đồng tiền điện tử được xây dựng dựa trên những blockchain của coin nền tảng được nói ở trên. Ví dụ: Etherium là coin nền tảng, còn những token như DIA, ONE, MTH…được xây dựng trên blockchain của Etherium với tiêu chuẩn ERC-20.

8. Ví lưu trữ tiền mã hóa là gì?

Ví lưu trữ tiền mã hóa: Ví tiền mã hóa là một công cụ được sử dụng để tương tác với blockchain. Mỗi loại coin (blockchain) sẽ có ví lưu trữ khác nhau. Dựa trên cơ chế hoạt động, ví lưu trữ tiền mã hóa được phân thành 2 loại: ví trữ nóng và ví trữ lạnh.

Gọi là ví nóng bởi đây là ví dưới dạng 1 phần mềm (app) cài đặt trong máy tính hoặc điện thoại và được kết nối với internet. Tiêu biểu trong dòng này có thể kể đến: Trust, Metamask, Midas protocol… Ví trữ lạnh sử dụng một phần cứng để lưu trữ và không được kết nối với internet.

Khác với quan niệm thông thường, các loại ví trữ tiền mã hóa không thực sự “trữ” các đồng tiền mã hõa, chúng chỉ cung cấp các công cụ cần thiết để tương tác với blockchain, còn các tài sản thực chất vẫn “nằm” trên blockchain, chỉ di chuyển từ địa chỉ ví này tới địa chỉ ví khác mà thôi. Nói cách khác, ví chính là cái “cửa sổ” để nhìn vào và thao tác với các tài sản nằm trên blockchain.

9. Stable coin là gì?

Stable coin: là loại tiền mã hóa có giá trị không thay đổi nhiều và được “neo” vào một giá trị cố định (như là một đồng tiền pháp định chẳng hạn). Một số loại stablecoin phổ biến hiện nay: usdt, usdc, dai, tusd (neo vào giá trị của đồng dollar-USD), tvnd (neo vào giá trị của đồng Việt Nam-VNĐ …

10. Ponzi là gì?

Ponzi: là tên của người đầu tiên vận hành hệ thống với mô hình kim tự tháp để lừa đảo, từ đó thuật ngữ tiền điện tử này lấy tên Ponzi để chỉ những hệ thống lừa đảo.

Trong hệ thống này, tất cả tiền được chi trả cho người tham gia hệ thống được lấy từ người đến sau trả cho người đến trước chứ không xây dựng kinh doanh cốt lõi. Tất cả đều là “bánh vẽ” được tạo ra để lôi kéo những người tham lam, nhẹ dạ. hệ thống này sẽ sụp đổ khi số tiền thu vào của người đến sau không đủ chi trả cho người đến trước hoặc khi người vận hành hệ thống cầm được một số tiền lớn và tẩu thoát.

Một số dấu hiệu cho thấy một dự án là Ponzi: Nộp tiền mua các “gói” cùng với hứa hẹn lên sàn sẽ gia tăng chóng mặt lợi nhuận thông qua việc tăng giá. Chi trả hoa hồng cao ngất ngưởng để lôi kéo người mới. Chi trả lãi suất dựa trên số tiền tham gia “gói” ở mức cao (với kinh nghiệm 3 năm tham gia thị trường, người viết nhận thấy hầu hết các mức lãi suất từ 15 đến 30% 1 tháng đều là những dự án ponzi)

11. Smart contract là gì?

Smart contract là thuật ngữ tiền điện tử chỉ hợp đồng thông minh. Đó là một chương trình hoặc một ứng dụng chạy trên blockchain, là một bộ các quy tắc được xác định trước và tất cả các nút (node) trong mạng đều phải sao chép và thực thi những bộ quy tắc đó.

Tất cả các công đoạn này đều được thực hiện bằng máy tính mà không cần đến sự can thiệp của con người, vì vậy, nó đáng tin cậy hơn rất nhiều so với con người. Việc sử dụng smart contract loại bỏ nhu cầu với các bên trung gian, từ đó giảm đáng kể chi phí thực hiện.

12. POW – Proof Of Work là gì?

POW-Proof Of Work-Bằng chứng công việc: là thuật toán đồng thuận được phát triển đầu tiên và sử dụng cho Bitcoin cùng một số đồng coin khác như Etherium, Litecoin, Dash… Với thuật toán này, thợ đào dùng tài nguyên là sức mạnh tính toán của máy tính để giải mã và phê duyệt giao dịch.

13. POS – Proof Of Stake là gì

POS-Proof Of Stake-Bằng chứng cổ phần: là thuật toán đồng thuận thay thế sức mạnh tính toán của máy tính bằng các trình xác nhận. để đủ điều kiện tham gia vào việc giải quyết các giao dịch trong mạng lưới, người tham gia phải khóa một cổ phần, là số tiền được định trước của đồng tiền gốc trên blockchain. Cổ phần này có tác dụng “bảo lãnh” để nếu người tham gia có các hoạt động không trung thực thì các cổ phần sẽ bị mất.

14. Đào coin (Mining) là gì

Đào coin (Mining): là hình thức sử dụng sức mạnh máy tính của mình (với các đồng coin dùng thuật toán đồng thuận POW) hoặc sử dụng số lượng đồng coin mình nắm giữ (với các đồng coin dung thuật toán đồng thuận POS) để tham gia vào nút mạng và giải mã, phê duyệt các giao dịch trên mạng lưới, từ đó nhận được phần thưởng là các đồng coin trong hệ thống mà họ tham gia.

15. Thợ đào (Miner) là gì?

Thợ đào: là những người cung cấp sức mạnh máy tính hoặc lưu trữ các đồng coin để góp phần giải quyết các giao dịch trên mạng lưới. Thợ đào có thể là cá nhân, hoặc các hội nhóm góp lại với nhau để gia tăng sức mạnh tính toán hoặc lập các staking-pool để những người sở hữu ít đồng coin có thể tham gia stake các đồng coin của họ thông qua smart contract để nhận phần thưởng.

16. Halving là gì?

Halving là thuật ngữ tiền điện tử mà gắn với sự kiện 4 năm 1 lần của bitcoin mà tại đó, phần thưởng khối (Block rewards) cho các thợ mỏ bị cắt giảm 50%. Sự kiện này diễn ra với các đồng coin dùng thuật toán đồng thuận POW.

17. ICO là gì?

ICO là thuật ngữ tiền điện tử được nhắc đến nhiều trong năm 2017, viết tắt của Initial coin offering, là một hình thức gọi vốn thông qua việc sử dụng các đồng tiền mã hóa. Tuy nhiên, không được nhầm lẫn ICO với IPO (initial public offering) bởi tuy là cùng là hình thức huy động vốn nhưng với ICO, nhà đầu tư chỉ được mua các token với giá ưu đãi mà không có bất cứ quyền sở hữu nào với công ty phát hành so với hình thức IPO.

18. IEO là gì?

IEO: viết tắt của Initial exchange offering, cũng là một hình thức huy động vốn, tuy nhiên, hình thức này được thực hiện trên nền tảng của một sàn giao dịch, được sự bảo trợ bằng uy tín của sàn giao dịch cho một start up tìm cách gây quỹ bằng các token được phát hành của họ.

19. Centralized là gì?

Centralized: là hình thức quản lý và lưu trữ dữ liệu tập trung, mọi tác vụ về dữ liệu đó được một trung tâm xử lý và đưa ra kết quả. Nhược điểm của hình thức này là dễ bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công có chủ ý hoặc thiên tai trực tiếp vào các trung tâm lưu trữ dữ liệu. Hiện nay, về mặt tài chính, Centralized được sử dụng bởi các tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ đầu tư…

20. Decentralized là gì?

Decentralized: là hình thức quản lý và lưu trữ dữ liệu phân tán dựa trên công nghệ Blockchain. Tất cả các nút mạng đều được sao lưu tất cả dữ liệu và được tham gia vào quá trình xử lý dữ liệu. Decentralized khắc phục được nhược điểm của Centralized là khó bị tấn công hơn và việc ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được giảm thiểu.

21. Dapps là gì?

Dapps: Decentralized applications, là những ứng dụng được xây dựng trên blockchain nhằm bảo đảm sự minh bạch và an toàn thông tin dữ liệu. Những ứng dụng này thường được dùng vào lĩnh vực tài chính, hiện nay các ứng dụng defi (decentralized finance) đang là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính nhằm giúp các hoạt động tài chính trơn tru và nhanh chóng hơn rất nhiều lần.

22. Fomo là gì?

Fomo: đây là thuật ngữ tiền điện tử cũng như các lĩnh vực đầu tư tài chính khác viết tắt của Fear of missing out-sợ bị nằm ngoài, sợ bị bỏ lỡ (tạm dịch), là một hội chứng tâm lý của con người. người mắc phải hội chứng này luôn bị ám ảnh bởi cảm giác sợ bỏ lỡ một điều gì hoặc sợ đánh mất điều mà mọi người xung quanh đạt được. Từ đó, đưa ra những quyết định thiếu lý trí dẫn đến hậu quả khó lường.

Trong lĩnh vực crypto, khi một đồng coin đang trên đà tăng ngắn hạn, nạn nhân của hội chứng này bị tác động bởi suy nghĩ đồng coin này sẽ còn tăng giá mạnh (do nghe ai đó nói) và tưởng tượng đến một khoản lời lớn nên ngay lập tức thu mua đồng coin ấy mà không dựa vào bất cứ một sự phân tích lý tính nào, hành động đó gọi là FOMO.

23. Pump/dump là gì?

Pump/dump: là hình thức thao túng giá của các cá nhân hay tổ chức có vốn lớn nhằm thu lợi trong thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền mã hóa nói riêng.

Ban đầu, họ sẽ thu mua các đồng coin có giá trị nhỏ, sau khi đã gom đủ, họ bắt đầu tung ra các tin đồn “tốt” về các đồng coin này để những người ít tìm hiểu nhảy vào mua (fomo), khi giá được đẩy lên (pump) đến một mức độ nào đó, họ bắt đầu bán ra để thu lợi, và khi giá bắt đầu rớt lại (dump) về giá họ mong muốn, họ lại thực hiện một vòng khác hoặc tìm một đồng coin khác để lặp lại quá trình như trên.

24. Total supply/Circulating supply là gì?

Total supply/Circulating supply: Với một đồng coin, có hai thuật ngữ tiền điện tử chính để chỉ số lượng, đó là: total supply và Circulating supply. Total supply là tổng cung trên thị trường của một đồng coin. Circulating supply là số lượng lưu hành hiện tại của đồng coin. Cho đến một lúc nào đó, thì circulating supply chính bằng total supply.

25. Market cap là gì

Market cap: là giá trị vốn hóa thị trường tính đến thời điểm hiện tại. Market cap (M) được tính bởi công thức: M=giá hiện tại x lượng coin đang lưu hành (circulating supply)

26. Khối lượng giao dịch (volume) là gì

Khối lượng giao dịch (volume): là một con số đo lường lượng tiền được mua hoặc bán trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: volume 24h là khối lượng giao dịch trong vòng 24h của một đồng coin.

27. Trader là gì?

Trader là người thực hiện các giao dịch trên thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền mã hóa nói riêng trong các khung thời gian ngắn để kiếm lợi nhuận.

28. Holder là gì?

Holder là những người thực hiện các giao dịch trong thị trường tài chính và thị trường tiền điện tử, đầu tư trong các khung thời gian dài hạn hơn trader. Phương pháp của các holder là trung bình giá dài hạn và thường ít quan tâm đến biến động giá ngắn hạn.

29. Stoploss/Take profit là gì?

Stoploss/Take profit: Dừng lỗ/chốt lời, là hai trạng thái của một giao dịch tài chính. Stoploss là lệnh cho phép trader cố định kết quả tài chính khi công cụ đạt đến một mức giá nhất định. Stoploss giúp các trader tránh các thua lỗ lớn, tự động đóng lệnh.

Take profit là lệnh cho phép trader cố định lợi nhuận khi giá lên đến một mức nhất định. Khi trader đặt một lệnh mua hay bán đồng nghĩa với việc phải xác định được mình sẽ dừng lỗ (stoploss) tại mức giá nào và sẽ chốt lời (take profit) tại mức giá nào.

30. Bull/bear market là gì

Bull/bear market: là thuật ngữ tiền điện tử chỉ thị trường bò tót/gấu. Thị trường bò tót là thị trường tăng trưởng, giá đi lên theo thời gian còn thị trường gấu là thị trường suy giảm, giá đi xuống theo thời gian.

Kết luận

Đây là một số thuật ngữ tiền điện tử mà bạn cần nên biết khi tham gia thị trường.

Ngoài ra, đây là nguồn tham khảo uy tín khác mà bạn có thể xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Bitcoin

Các bài khác về học thuật khi đầu tư thị trường tiền điện tử bạn nên biết https://hocvienbitcoin.com/category/dau-tu-bitcoin